Chủ nhà vườn Cao Văn Lùng (bên trái), xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè giới thiệu quả dừa sáp với du khách. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN
Đây là hợp tác xã đầu tiên chuyên trồng dừa sáp ở tỉnh Trà Vinh được chứng sản xuất thực hành nông nghiệp tốt.
Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã Dừa sáp Hoà Tân hiện cho biết, hợp tác xã được thành lập cách đây 5 năm, gồm 53 thành viên, với diện tích canh tác gần 45 ha dừa sáp; trong này hiện có 28 ha được sản xuất theo chuẩn VietGAP và cho sản lượng trái mỗi năm khoảng 40 tấn. Năm 2016, dừa sáp Hoà Tân cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận công nhận thương hiệu.
Theo ông Sử, huyện Cầu Kè được xem là “thủ phủ” cây đặc sản dừa sáp và nổi tiếng khắp cả nước gần 50 năm qua. Nguồn gốc cây dừa sáp có mặt trên vùng đất Cầu Kè từ năm 1970, khi được ông Thạch Chịa, lão nông đã gần 90 tuổi, ở khóm 2, thị trấn Cầu Kè,đưa từ Campuchia về trồng.
Thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và là “mỹ vị” nên dừa sáp nhanh chóng trở thành trái ngon nổi tiếng và được hàng ngàn hộ nông dân trong huyện nhân rộng diện tích trồng dừa sáp. Tính đến nay, toàn huyện Cầu Kè đã có hơn 22.000 cây dừa sáp, trong này xã Hòa Tân có gần 17.000 cây, khoảng 40% đã cho trái.
Trái dừa sáp hiện được chế biến thành nhiều thức uống, như: sinh tố dừa sáp, dừa sáp dầm sữa đá, dừa sáp dầm trộn trái cây, dừa sáp trộn đường. Mới đây, nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo tại huyện Cầu Kè chế biến thành công món mứt dừa sáp độc đáo, với giá bán 400.000 đồng/kg, nhưng cung không đủ cầu. Bình quân, một năm một cây dừa sáp cho khoảng 120 - 150 trái và tỷ lệ dừa cho trái sáp đạt từ 40 - 50%, tính theo giá bán 120.000 đồng/trái, mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm.
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban Điều phối Dự án AMD Trà Vinh cho biết, dự án AMD đang hỗ trợ nông dân trồng dừa sáp, đặc biệt là các hợp tác xã về kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tìm đối tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để góp phần đưa sản phẩm dừa sáp ra thị trường bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.